Theo số liệu thống kê của các công ty khảo sát thị trường và một số chuyên gia trong ngành đồ gỗ, năm 2012, doanh thu hàng
nội thất cao cấp trong nước đạt hơn 2,5 tỷ USD. Sản phẩm thuộc các tập đoàn đa quốc gia, các công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài chiếm đến 80% thị phần, trong khi hàng Việt Nam chỉ bó hẹp trong 20%. Trong 2 năm vừa qua, tỉ lệ thị phần của các doanh nghiêp trong nước cũng có nhiều biến chuyển tích cực. Với chất lượng sản phẩm tốt, mẫu mã đẹp mắt, sản phẩm Việt đã tiếp cận được nhiều người tiêu dùng hơn, tuy nhiên con số 30% vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của ngành nội thất trong nước, vâỵ đâu là những khó khăn mà các doanh nghiệp nội thất Việt đang gặp phải?
1.Chưa có nhà phân phối đúng tầm
Trên thị trường phân phối nội thất của Việt nam hiện nay, chưa có một nhà phân phối nào đủ tiềm lực và uy tín để cung cấp đa dạng sản phẩm, chủ động điều tiết, đảm bảo đầy đủ nguồn cung cho thị trường. Chẳng hạn, công ty Việt May Corp (đại diện phân phối các sản phẩm thương hiệu Hoàng Anh Gia Lai) là một trong các nhà phân phối lớn với các hệ thống tổng kho và đại lý trải dài từ các tỉnh miền Trung trở vào Nam với hệ thống gần 100 cửa hàng ủy nhiệm tuy nhiên doanh số cũng chưa đạt được kỳ vọng như mong muốn. Hiện Việt May cũng mới giải quyết được đầu ra cho một số ít doanh nghiệp trong ngành.
2.Công tác truyền thông, tiếp thị cho các sản phẩm chưa chu đáo
Người tiêu dùng Việt nam đã hình thành thói quen khi mua hàng đồ nội thất là “thấy tận mắt, sờ tận tay”. Tuy nhiên, các doanh nghiệp còn chưa thực hiện được nhiều về việc tiếp cận nhu cầu của người dân, trưng bày sản phẩm tại các cửa hàng ủy nhiệm còn quá ít, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng chưa được rộng rãi…
3.Phân khúc bán lẻ
Thị trường bán lẻ hiện nay ở Việt Nam hiện vẫn chủ yếu dựa vào các cửa hàng nhỏ lẻ. Việc xây dựng hệ thống các doanh nghiệp nội thất hiện nay nhìn chung chưa đủ tầm, các cửa hàng bán lẻ cũng như việc giới thiệu các sản phẩm trưng bày không được nhiều, doanh số chưa cao. Các doanh nghiệp lại khó khăn trong việc giải quyết bài toán tồn kho, đa dạng hóa sản phẩm cũng như phương thức thanh toán, thời gian giao hàng, chính sách hậu mãi để các cửa hàng toàn tâm với việc tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp.
Giải pháp cho doanh nghiệp Việt: xu hướng đại siêu thị
Đẩy mạnh truyền thông và liên kết với các nhà phân phối mạnh sẽ là hướng đi giúp doanh nghiệp Việt lấy lại được thị trường trong nước. Theo các nhà phân phối, hàng nội thất trong nước bị lép vế tại thị trường nội địa vì một thời gian dài các nhà sản xuất chỉ quan tâm đến xuất khẩu, bỏ quên thị trường nội địa. Khi quay lại thị trường, hàng nội lại lâm vào tình cảnh ế ẩm vì đã quen bán cho nhà phân phối nước ngoài dẫn đến thiếu kỹ năng phân phối, nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng và kỹ năng thiết kế cho người tiêu dùng trong nước. Trong khi đó, các doanh nghiệp ngoại đã nhanh chóng tận dụng cơ hội, chú trọng nghiên cứu gu thẩm mỹ của thị trường Việt Nam, đồng thời kết hợp với xu hướng chung của thế giới, tạo nên ưu thế vượt trội so với doanh nghiệp Việt. Hợp tác với doanh nghiệp ngoại sẽ giúp doanh nghiệp Việt hiểu hơn về thị trường, tạo ra những sản phẩm nội với chất lượng ngoại, đáp ứng được thị hiếu và nhu cầu của người dùng Việt Nam.
Ngoài ra, đối với kinh doanh hàng nội thất, DN nào quản lý được nguồn hàng tồn kho sẽ có nhiều ưu thế. Các nhà phân phối nước ngoài có lợi thế hơn trong vấn đề này vì họ có thể luân chuyển hàng hóa trong hệ thống nên sản phẩm tồn kho rất thấp. Trong khi đó, các công ty nội với số lượng cửa hàng ít nên khi kinh tế khó khăn, sức tiêu thụ giảm lại không phát triển thêm mẫu mã mới để kích thích sức mua. Các doanh nghiệp phân phối nhỏ lẻ, thương hiệu mờ nhạt, sản phẩm đơn điệu nên khó lòng cạnh tranh nổi. Theo các chuyên gia, trong tương lai, mô hình đại siêu thị sẽ phát triển mạnh. Do đó, các doanh nghiệp nội thất Việt Nam cần nhanh chóng tìm kiếm cơ hội hợp tác với các nhà phân phối chuyên nghiệp để có được thị phần tại sân nhà.