Emagazine 

by KiotViet

bóng

không bao giờ tắt

NHỮNG CHIẾC

Thành phố những ngày chớm đông cuối hạ mưa rả rích suốt đêm ngày. Vài bước chân thưa thớt rảo bước vội vàng trên con phố ngày thường vốn đông đúc nhộn nhịp. Một cái bóng xe máy bỗng vụt qua gấp gáp. Ngày cũng như đêm, mưa cũng như nắng, thời gian này mọi thứ dường như trầm lắng, im ắng hẳn. Thành phố ngủ yên, thành phố đang dưỡng bệnh.

Dịch bùng nổ, nơi nơi giãn cách, nhà nhà đóng cửa cài then, ai về nhà nấy. Hạn chế ra ngoài, không được tụ tập. Âu cũng là vì ngày mai có thể trở lại nhịp sống vui tươi. Chúng ta động viên nhau suy nghĩ tích cực, coi đây là thời gian nghỉ ngơi sau những ngày dài làm việc liên tục. Thế nhưng, có ai từng một thoáng nhớ tới, những tiểu thương, gánh hàng rong, những người coi vỉa hè là nhà, màn trời là chiếu. Họ sẽ đi về đâu? Họ phải trải qua thời gian này như thế nào?

“Ai bánh mì nóng không?! Ai bánh mì nóng nào?! Bánh mì Sài Gòn đặc biệt thơm bơ hai ngàn một ổ đây!”
“Tàu hủ đây, tàu hủ nóng nào”
“Vé số đi bà con ơi. Xổ số kiến thiết ích nước lợi nhà chống ế cho tui nào. Gì mà ế chỏng ế chơ ế lơ phơ ế muốn đói luôn rồi.”
“Keo dính chuột đặc biệt của Trung tâm ứng dụng công nghệ mới của chúng tôi diệt được chuột tây, chuột ta, chuột Nga, chuột Mỹ, chuột Thổ Nhĩ Kì, chuột Tuynidi, chuột gì cũng chết”.

Nếu sinh sống ở các thành phố lớn như Hà Nội hay Sài Gòn thì có lẽ không ai còn lạ lẫm với những tiếng rao này nữa. Những tiếng rao tếu táo, chân phương của người bán hàng rong nơi phố thị dường như đã trở thành một thứ âm thanh thân thuộc in sâu trong ký ức của bao thế hệ. Trải qua năm tháng, tiếng rao vẫn còn đó, tạo nên nét đặc trưng rất riêng cho thành phố náo nhiệt. 

Thế nhưng, ẩn đằng sau những tiếng rao lảnh lót đó là biết bao mảnh đời cơ cực trăn trở cơm áo gạo tiền nơi đất khách quê người. Đó có thể là tiếng rao của cô gánh hàng rong quê ở tận miền Trung xa xôi vào Nam bươn chải nuôi đàn con thơ ở quê nhà. Đó có thể là tiếng rao của bác chủ sạp trái cây đã 90 tuổi vẫn phải ngày ngày làm lụng. Đó có thể là tiếng rao của cậu bé bán vé số dạo rời nhà từ sớm để đỡ đần phụ mẹ, là tiếng rao của chú hủ tíu gõ hằng đêm đầy khắc khoải...Tiếng rao của những người kiếm sống bằng công việc không ổn định, lao động tự do, thu nhập bấp bênh. 



Bóng

THÀNHPHỐ

TRONG

Tưởng chừng như cách biệt với thành phố xa hoa nhưng dường như đã hòa vào làm một. Những chiếc bóng âm thầm cùng tiếng rao xuyên ngày đêm, xuyên qua mưa nắng.

KiotViet | Emagazine/2021

Thức dậy từ sáng sớm, lầm lũi tới tối mịt, họ như những chiếc bóng mờ trong thành phố. Họ bám víu lấy vỉa hè đô thị để kiếm kế sinh nhai, lấy đôi đồng lời lãi chẳng đáng là bao. Vất vả và gian truân, nhưng chưa một ngày họ dừng lại để than thở. Từ tứ xứ đổ về, họ ngụ cư trong lòng thành phố với hy vọng nhen nhóm về những bữa no cho gia đình. Tưởng chừng như cách biệt với thành phố xa hoa nhưng dường như đã hòa vào làm một. Những chiếc bóng âm thầm cùng tiếng rao xuyên ngày đêm, xuyên qua mưa nắng.

Hanoi/2021

Dịch Covid-19, giãn cách xã hội, ngừng mọi hoạt động, cấm tập trung buôn bán...Những bản tin ngày ngày liên tục dội vào thành phố tạo thành vết thương rỉ máu. Vết thương đó lại khắc nét rõ ràng hơn bao giờ hết lên cuộc sống của những người lao động tự do, buôn gánh bán bưng vốn đã lắm khó khăn chật vật. 




bóng

LAy LẮT

những chiếc

Thành phố hoa lệ. Hoa cho người giàu và lệ cho kẻ nghèo. Lẽ thường đó vào thời điểm này càng trở nên đau lòng đến quay quắt. 

Với những người có công ăn việc làm ổn đinh, mùa dịch có thể khiến họ bị cắt giảm tiền lương tháng này, không có tiền nhà cho tháng tới, bữa cơm bớt đi chút ít thịt cá. Với những người bán hàng rong, vé số... ảnh hưởng của Covid-19 được đo đếm cụ thể bằng những ly cà phê, chai nước hay gói xôi bán ra mỗi ngày. Họ rơi vào cảnh túng thiếu, bữa no bữa đói. 

“Bán bánh dạo, bữa nào hay bữa đó, tằn tiện từng đồng bạc. Nghỉ hôm nào là đói hôm đó. Già rồi nhưng con cháu ai cũng đói cũng khổ, nên phải tự mình lo lấy thân thôi. Giờ còn lao đao vì dịch nữa”, ông Y. 68 tuổi, quê ở Bình Định vào Sài Gòn đã mười mấy năm - bộc bạch. Trước dịch, hàng ngày ông vẫn đi bán bánh trên chiếc xe đạp cà tàng cùng cái sọt bằng sắt treo đầy những bánh ú, nem chua, bánh bông lan… từ bến xe Chợ Lớn (Q.6) vòng vèo đến khắp mấy quận trung tâm. Cứ mỗi lần bùng phát dịch, ông lại hoang mang lo lắng vì không biết làm gì để kiếm ăn. 

“Nhiều hôm rét căm vẫn phải ngồi bán, nắng nóng cũng không nề hà, rồi những hôm mưa rào ập đến chạy không kịp. Dịch bệnh tôi cũng sợ lắm chứ, nhưng sợ hơn cả là chết đói. Rồi ai nuôi con, ai nuôi gia đình?” - Chị N. tâm sự. Theo lời chị N., hàng nước là thu nhập của cả gia đình, giúp chị nuôi 2 người con ăn học, lo cả cho chồng bị teo cơ không thể lao động. Khi chưa có dịch, ngày nào nhiều chị bán được 300.000 đến 400.000 đồng, nhưng nay thì ngồi cả ngày cũng không bán nổi 150.000 ngàn. 

“Người nghèo, ở chỗ nào, hoàn cảnh nào cũng dễ tổn thương..."

- Nguyễn Ngọc Tư -

Hoian/2021

“Tháng này chưa biết lấy tiền đâu trả tiền nhà. Nhà tập thể nhiều người ở chung, căn nhỏ xíu chục mét vuông mà trên gác, dưới trệt cũng chừng 10 người, vậy chứ tháng cũng tốn 1 triệu tiền trọ. Ăn uống thì bữa đực bữa cái" - bà N. thở dài. Dịch giãn cách, Nhà nước cấm hàng rong, bà chạy dịch về quê. Vừa vô bán trở lại chưa nổi tháng thì dịch đã bùng lại. 

“Ngủ không quen con à, vào góc tối ngủ thì muỗi nó cắn, ra ngoài ngủ thì lạnh quá, phải mặc áo mưa vào ngủ mà đêm vẫn lạnh lắm, đèn chiếu thẳng vào mặt khó chịu quá.” - chú Hải (64 tuổi) phải chịu cảnh màn trời chiếu đất bị chủ trọ đuổi ra khỏi nhà đã 9 ngày chia sẻ.


Còn không ít những thân phận, mảnh đời khác cũng đang cố bám trụ giữa lòng thành phố như những cái bóng lay lắt chớp tắt. Mong manh dễ vỡ là cái kiếp người.

Hào nhoáng, mơ tưởng như lớp vôi vữa, cứ dần rụng rơi. Thành phố không phải thiên đường cho tất cả cư dân lặn ngụp trong lòng nó."
- Bóng Của Thành Phố | Nguyễn Ngọc Tư

“Giờ chỉ mong được bình thường lại như trước. Kẹt xe, nắng mưa thất thường, mệt mỏi mấy cũng được. Miễn không thấy bản tin thêm ca nhiễm nào, không phải thấp thỏm vì thấy chăng dây chắn lối khắp đường phố.” 

KiotViet | Emagazine/2021

Chợt nhận ra rằng, dẫu cuộc đời có đổi thay, có khó khăn cỡ nào, họ vẫn luôn gắng gượng từng ngày. Khó khăn nhân đôi, kiên cường càng gấp bội. Họ là những chiếc bóng mạnh mẽ không bao giờ tắt, có lúc mờ nhòe, có lúc lay lắt, nhưng rồi họ vẫn ở đó, bám trụ cùng thành phố.

KiotViet | Emagazine/2021

bóng

không bao giờ tắt

NHỮNG CHIẾC

Vietnam/2021

Emagazine 

by KiotViet

Ấy thế nhưng, dẫu dịch còn căng thẳng, thành phố còn phải gồng mình lên giữ sức chống chọi, những phận đời đó đã không còn cô đơn. 

Những cây ATM gạo mọc lên liên tiếp. Những ổ bánh mì 0 đồng luôn sẵn sàng trao tay mỗi tối. Những siêu thị 0 đồng túc trực ở mọi nơi. Đâu đó góc đường có mấy bạn trẻ phát cơm từ thiện, khu phố kia có anh phát gạo miễn phí...Những hành động tử tế và ấm nồng tình thương cứ thể nở rộ giữa lòng thành phố, tạm thay thế phố thị để cưu mang, sưởi ấm cho cô bán hàng rong, cho chú hàng nước, cho chị vé số dạo…

Lòng tử tế cứ thể len lỏi, lan ra khắp lòng đường ngõ ngách, tới từng góc khuất nhất của thành phố, góp phần vực dậy sự lạc quan trong mỗi con người.

“Dịch thì sợ thiệt, mà đói cũng sợ luôn nên cứ phải trang bị phòng dịch và tiếp tục bán hàng thôi.” Chị N. cười xòa hiền từ nói. “Buông chầm thì cầm chèo. Không sống cách này ta sống cách khác. Mình khổ bao người cũng khổ vậy…”

“Khi bị cấm bán vé số, tôi chỉ còn cách đi mua mấy đồ lặt vặt gom lại đi bán. Mỗi ngày kiếm vài chục ngàn đồng. Tìm cách mưu sinh thay thế rồi bám trụ dựa vào sự giúp đỡ xung quanh. Xoay sở tạm vậy. Chứ từ bỏ sao được, còn cả gia đình phía sau.’' 

“Tính về quê rồi đó chứ. Nhưng mà về cũng đói, còn con cái nheo nhóc. Thôi thì cố mà trụ lại. Chừng nào hay chừng đó. Chứ mà giàu thì giàu lâu rồi. Nghèo riết cũng quen. Giờ chỉ trông cho sớm ổn định mà quay lại bươn chải tiếp thôi à.”

“Trời mình cứ chấp hành nhà nước thôi à. Chớ giặc ngoại xâm bà còn tham gia du kích oánh cho tan nát. Rồi đói 45 bà còn vượt qua được. Tới từng này tuổi còn tự lo cho thân mình. Thì lo gì con cô vít. Gặp bà bà đánh cho. Kiểu gì mình cũng thắng hà khà khà...”

“Trước dịch, cuộc sống mưu sinh hằng ngày vẫn khó khăn. Nhưng là đàn ông mà, còn sức khỏe và còn việc thì vẫn cố gắng hằng ngày để vượt qua. Chú không cần tiền, chỉ mong có chỗ nào cho chú làm việc để đổi giấc ngủ yên và cái bụng no qua ngày được rồi.” 

 


Lá lành đùm lá rách. Lá rách đùm lá nát. Bất kể thân phận, bất kể xuất xứ, giãn cách nhưng không xa cách. Chưa bao giờ trái tim gần trái tim tới thế.

Saigon/2021

“Haha thôi đời mà con, lúc nào chả có khó khăn. Mà nghe, phải có lúc khó khăn như bây giừ mới thấy là xung quanh mình có bao người đường hoàng, tốt lắm à. Được quan tâm, được giúp đỡ mỗi bữa. Tự nhiên thấy mình cũng quan trọng phết ha, thấy mình không bị lãng quên, không bị bỏ lại đó.”

Lắng nghe những nụ cười tin tưởng, ngắm nhìn những ánh mắt khấp khởi hy vọng của mỗi người, niềm vui dường như chưa bao giờ tắt.





Có thể không phải với ai, không phải lúc nào, những ánh đèn thành phố cũng là lời hứa hẹn từ thiên đường. Thế nhưng hạnh phúc không chỉ ở thiên đường mới có. Hạnh phúc nằm trong sự tử tế, lạc quan và tích cực hành động của mỗi người.

Sài Gòn ơi! Hà Nội à! Rồi mình sẽ vượt qua.

Lâu rồi dường như chỉ biết
Từng ngày, sống từng ngày thôi
Những chiều buồn rầu như thế
Trải đều trên mỗi cuộc đời
Người ta riết rồi ai cũng
Tưởng mình thiếu thốn chơi vơi...
Nhưng mà sau cùng em ạ
Họ vẫn biết yêu cuộc đời!
- Lâu rồi đã quên | Nguyễn Thiên Ngân 

Hãy để KiotViet đồng hành kinh doanh cùng bạn

Hotline

Tư vấn bán hàng: 1800 6162 Chăm sóc khách hàng: 1900 6522 Hoạt động 365 ngày/năm từ 7:00 đến 22:00 kể cả ngày nghỉ, lễ tết.

KiotViet Fanpage

Luôn trả lời các thông tin nhanh nhất thông qua các phản hồi trên Facebook.

Kênh hỗ trợ Youtube

Luôn cập nhật các kiến thức sử dụng phần mềm tức thời, trực quan giúp người dùng sử dụng được KiotViet dễ dàng và hiệu quả nhất.

Chat trên web & mobile

Luôn có người trực chat để trả lời câu hỏi của các bạn nhanh và hiệu quả nhất suốt 365 ngày/năm.